Thị trường ngày 11/6: Dầu giảm quanh mức cao nhất 7 tuần, vàng giảm nhẹ.
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung tiếp tục là tâm điểm theo dõi của thị trường hàng hóa thế giới ngày10/6/2025. Chốt phiên giao dịch, dầu giảm nhẹ quanh mức cao nhất trong 7 tuần, giá vàng, đồng, thép giảm nhẹ. Giá cà phê Robusta giảm do nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch tại Brazil và Indonesia.
S&P 500 tăng 3 phiên liền nhờ hy vọng về đàm phán thương mại Mỹ – Trung.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Ba (10/06), khi nhà đầu tư hy vọng vào một giải pháp tích cực cho các cuộc thảo luận về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/06, chỉ số Dow Jones tăng 105,11 điểm (tương đương 0,25%) lên 42.866,87 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,55% lên 6.038,81 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,63% lên 19.714,99 điểm. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của cả 2 chỉ số này.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Luân Đôn bước sang ngày thứ hai với tín hiệu tích cực. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết hy vọng kết thúc vào tối 10/06, nhưng có thể kéo dài đến 11/06 nếu cần. Hai bên đang nỗ lực nhằm tiến tới thỏa thuận giảm thuế quan. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ kỳ vọng về tiến triển đàm phán, lợi nhuận doanh nghiệp mạnh và đà phục hồi của cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nhóm AI. Tuy nhiên, lo ngại về tác động lạm phát từ thuế quan vẫn tồn tại.
Dầu giảm nhẹ quanh mức cao nhất 7 tuần khi thị trường chờ tin từ đàm phán Mỹ – Trung.
Giá dầu giảm nhẹ quanh mức cao nhất trong 7 tuần khi thị trường theo dõi diễn biến đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Brent giảm 0,3% xuống 66,87 USD/thùng, còn WTI giảm 0,5% xuống 64,98 USD/thùng. Trước đó một ngày, giá dầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 4.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung bước sang ngày thứ hai tại London, giữa lúc lo ngại về thuế quan tiếp tục đè nặng tâm lý thị trường. Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 xuống còn 2,3% (từ 2,7%) do thuế cao và bất ổn kinh tế.
Về nguồn cung dầu, Saudi Aramco sẽ giảm xuất khẩu sang Trung Quốc xuống còn 47 triệu thùng trong tháng 7. Dù OPEC+ dự kiến tăng sản lượng 411.000 thùng/ngày, nguồn cung thực tế vẫn có thể bị hạn chế do các đợt cắt giảm trước. Mỹ và Iran chưa đạt tiến triển trong đàm phán hạt nhân, trong khi EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18 nhắm vào dầu mỏ và công nghiệp quốc phòng Nga – nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới năm 2024.
Tại Mỹ, tồn kho dầu thô được dự báo giảm 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 6/6 – tuần giảm thứ ba liên tiếp, trái ngược xu hướng tăng trung bình 2,8 triệu thùng trong 5 năm qua.
Giá vàng giảm nhẹ khi thị trường theo dõi đàm phán Mỹ – Trung.
Giá vàng giảm nhẹ do nhà đầu tư chờ kết quả đàm phán thương mại Mỹ – Trung, vốn có thể giảm căng thẳng toàn cầu và khiến nhu cầu đối với tài sản trú ẩn như vàng suy yếu. Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 3.324,55 USD/ounce, vàng kỳ hạn Mỹ giảm 0,3% còn 3.343,40 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng 0,2%, khiến vàng trở nên đắt hơn với người nắm giữ các đồng tiền khác. Các nhà giao dịch cho rằng kỳ vọng tích cực từ đàm phán Mỹ – Trung, cùng với dữ liệu lạm phát Mỹ sắp công bố, đang gây áp lực lên giá vàng. Một số nhà đầu tư đang chờ giá điều chỉnh về quanh mốc 3.100 USD/ounce.
Bên cạnh đó, bạc giảm 0,5% còn 36,53 USD/ounce, bạch kim giảm 0,5% xuống 1.213,08 USD sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, còn palađi giảm 1,2% còn 1.061,85 USD. Giá bạch kim được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung và lực mua đầu cơ, trong khi palađi giảm do nhu cầu yếu hơn.
Giá đồng giảm do lo ngại về đàm phán thương mại và nhu cầu yếu.
Giá đồng giảm 0,4% xuống còn 9.757,50 USD/tấn do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kết quả chưa rõ ràng từ đàm phán Mỹ – Trung, giữa lúc lo ngại thương chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và nhu cầu kim loại.
Lượng đồng lưu kho trên sàn LME tiếp tục giảm 2.000 tấn, còn 120.400 tấn – giảm một nửa trong ba tháng, cho thấy nguồn cung thắt chặt. Tuy nhiên, giá đồng tương lai Mỹ giảm 0,3% xuống 4,91 USD/pound. Mức chênh lệch giá giữa đồng Mỹ và LME lên tới 1.067 USD/tấn, do kỳ vọng Mỹ sẽ áp thuế lên đồng nhập khẩu.
Tại Trung Quốc, giá kẽm trên sàn Thượng Hải giảm phiên thứ ba liên tiếp, mất 1,3% còn 21.845 CNY/tấn vì nhu cầu yếu. Trên sàn LME, nhôm tăng 0,5%, kẽm tăng 0,3%, trong khi nickel, thiếc và chì đồng loạt giảm nhẹ.
Giá ca cao giảm khi triển vọng mùa vụ tại Tây Phi được cải thiện.
Giá ca cao London giảm 3,4% xuống 6.404 bảng/tấn, trong khi ca cao New York giảm mạnh 4,5% còn 9.030 USD/tấn. Ngân hàng Rabobank cho biết điều kiện thời tiết thuận lợi gần đây và dự báo tiếp tục có mưa tại Tây Phi – khu vực trồng ca cao chủ lực – đang cải thiện triển vọng vụ mùa 2025/26.
Đường tiếp tục giảm, sát mức thấp nhất trong 4 năm.
Giá đường thô giảm 1,1% còn 16,48 cent/pound, chỉ nhỉnh hơn mức thấp nhất trong 4 năm là 16,32 cent thiết lập hôm thứ Sáu tuần trước. Nguyên nhân chính là nhờ mùa mưa sớm cải thiện triển vọng sản lượng tại châu Á, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc.
Tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ-Trung ngày thứ hai.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung tiếp tục ngày thứ hai tại London với tín hiệu tích cực, tập trung vào vấn đề kiểm soát xuất khẩu và đất hiếm – yếu tố then chốt trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Mỹ đề xuất có thể dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu chip, phần mềm và thiết bị nếu Trung Quốc tăng cung đất hiếm và nam châm.
Đàm phán diễn ra sau cuộc gọi giữa Trump và Tập Cận Bình, trong bối cảnh xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh 34,5% trong tháng 5. Căng thẳng thuế quan trước đó đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi nhờ thỏa thuận giảm thuế đạt được từ giữa tháng 5.
Hiện mức chênh lệch thương mại và kiểm soát xuất khẩu đang được thu hẹp, tuy nhiên Mỹ vẫn giữ giới hạn với các chip AI cao cấp của Nvidia do lo ngại an ninh quốc phòng..
Xuất khẩu Trung Quốc mất đà trong tháng 5, xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 35%.
Trong tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại và nhập khẩu giảm, cho thấy kinh tế trong nước yếu. Xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh vì căng thẳng thương mại, dù có thỏa thuận giảm thuế giữa hai bên. Cùng lúc đó, Trung Quốc tiếp tục rơi vào giảm phát (CPI giảm 4 tháng liên tiếp), phản ánh tiêu dùng yếu. Hai bên Mỹ-Trung đang đàm phán tại London, với hy vọng đạt thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là đất hiếm. Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm công nghệ nếu Trung Quốc tăng xuất khẩu đất hiếm. Kinh tế Trung Quốc chịu áp lực, có thể cần thêm kích thích từ chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Elon Musk ‘thả tim’ làm hòa với ông Trump.
Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump có dấu hiệu “hạ nhiệt” căng thẳng sau chuỗi tranh cãi gay gắt. Musk phản hồi một video ông Trump bằng biểu tượng trái tim, được xem là cử chỉ làm dịu. Trước đó, họ công kích lẫn nhau về dự luật cắt giảm chi tiêu và ưu đãi xe điện, thậm chí Musk từng ám chỉ Trump liên quan đến Jeffrey Epstein, gây tranh cãi dữ dội. Dù quan hệ vẫn mong manh, giới quan sát cho rằng tình hình có thể thay đổi tùy theo diễn biến chính trị sắp tới.
Nguồn: SFVN Tổng hợp